Dụng cụ pha trà

Nghệ thuật uống trà xanh của Việt Nam

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017


Nếu như văn hóa ăn được gọi là ẩm thực thì uống trà lại được coi là một cái “đạo”. Liệu Việt Nam có trà đạo hay không? Câu trả lời là có.

Công phu cũng lắm một thú chơi!...

Tại Việt Nam, qua những áng văn thơ, rõ nhất là của Lê Quý Đôn và Nguyễn Trái đã cho thấy trà và cách thưởng trà cũng có mặt ở nước ta từ rất sớm.



Để pha một ấm trà ngon, trước tiên phải có ấm, chén và thuyền trà (dùng để ngâm nóng ấm đang hãm chè). Vì nghệ thuật thưởng trà chia làm 3 cung bậc: độc ẩm (một mình), song ẩm (hai người) và quần ẩm (nhiều người) nên bộ ấm, chén, thuyền trà cũng phải chia làm ba loại với kích cỡ phù hợp. Dù đã có đúng các bộ đồ trà nhưng màu sắc, chất liệu của chúng cũng giữ vai trò quan trọng trong một buổi uống trà. Nếu loại chè Thái Nguyên, suối Giàng (Yên Bái) được đem ra đãi khách thì ấm, chén để pha chắc chắn phải làm bằng đất. Bởi lẽ, loại chè này có đặc biệt là cho thứ nước xanh tươi. Ấm, chén đất có màu da lươn nhưng trong lòng chén, nơi tiếp xúc với nước trà thì nhất thiết phải tráng một lớp men trắng. Nghệ thuật uống trà không chỉ cần thưởng thức mùi vị mà yêu cầu mắt cũng cần bắt được cái sóng sánh, tinh tuý của nước chè. Tương tự, nếu thưởng thức trà ướp hương, đặc biệt là trà sen, phải chọn cho được loại chén mỏng, màu trắng ngần hoặc hồng để tôn lên thứ màu hổ phách bắt mắt của nước chè sen.

Cũng nhân nói về chén uống trà, trong trà đạo, một trong những tiêu chí của sự ''ngon'' là khi cầm lên, chén trà phải nóng giẫy trên tay. Người uống không phải uống cho đỡ khát mà thảnh thơi nhấp từng ngụm nhỏ để tìm mùi hương phảng phất

Tinh tế chất “đạo” pha trà

Muốn có trà đạo, trước tiên phải tìm mua được loại chè hảo hạng. Ở Việt Nam, từ lâu đã hình thành hai dòng trà chính: trà chát ở Thái Nguyên, Tân Cương, suối Giàng... và trà ướp hương, ''sinh ra'' ở Hà Nội. Dòng trà thứ nhất còn gọi là chè sao suốt, nghĩa là lúc hái, sao và pha uống phải liền nhau mới ngon. Càng những cây trà cao niên, dãi dầu sương gió thì hương càng đậm, vị càng ngọt. Riêng dòng trà thứ hai lại có công tạo một kiểu thưởng trà mới: Trà ngũ hương, chỉ giới hạn cho 5 người. Khay uống phải thửa 5 chỗ trũng để 5 loại hoa đang độ đượm hương nhất: cúc, sói, nhài, sen, ngâu. Úp các chén kín hoa, bưng khay để lên nồi nước sôi cho hương hoa bám vào lòng chén. Pha trà mạn ngon và trót đều vào từng chén, mỗi vị khách sẽ phải đoán hương trà trong chén của mình và cùng nhận xét. Sau đó, người chủ trà lại hoán vị hương để ai cũng được thưởng thức hết cái tinh tuý của hội trà ngũ hương. Để có mùi hương thoang thoảng, cách ướp hoa vào trà rất phức tạp, không như các loại chè sao tinh dầu hóa học như hiện nay. Muốn ướp, người xưa phải chọn thời điểm hái hoa, tỉ mỉ rải đều từng cánh hoa. Với trà sen, để có 1 kg, người ta phải dùng tới 1.200 đến 1.500 bông sen. Vì vậy, giá của nó từ trước đến nay vẫn bất di bất dịch: cỡ 3 chỉ vàng, chỉ những người thực sự yêu trà mới dám mua?



Phần phức tạp nhất trong trà đạo chính là khâu pha trà. Trong ấm trà ngon, người ta phải thấy phảng phất mùi thơ và một vị triết lý. Đầu tiên, người sành trà sẽ đổ nước sôi ngập 2/3 ấm, đậy nắp lại, lắc đều rồi giội một lượt nữa bên ngoài để tráng và giúp độ nóng đều hơn giữa trong và ngoài ấm. Khi khói còn nghi ngút, người pha dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm, gọi là ''ngọc diệp hồi cung''. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Tiếp theo là khâu chuyên nước. Lần chuyên đầu phải chắt ngay ra nên gọi là ''cao sơn trường thủy''. Đây là thao tác ''tráng trà'' nhằm loại hết bụi bẩn và cho trà không nổi lềnh bềnh, cũng nhằm tạo sự lưu chuyển các dòng nước trong ấm trà để thông hương. Lần thứ hai chuyên nước gọi là ''hạ sơn nhập thủy''.

Subscribe your email address now to get the latest articles from us

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2015. Khay Trà Phong Thủy.
Design by Herdiansyah Hamzah - Distributed By Blogger Templates
Creative Commons License